Mô hình kinh doanh rất quan trọng đối với mọi hình thức kinh doanh chứ không chỉ riêng quán cà phê. Việc xác định mô hình quán cafe là một trong những bước đầu trong quá trình mở quán. Đây chính là kim chỉ nam cho mọi hướng hoạt động sau này của quán.
Để xác định được mô hình kinh doanh quán cafe đầu tiên bạn cần trả lời loạt câu hỏi.
Đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
Sở thích đồ uống của họ như thế nào?
Bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của họ ra sao?
Bạn cần bao nhiêu vốn để mở quán cafe?
Từ việc trả lời những câu hỏi bạn sẽ lựa chọn mô hình phù hợp, dễ dàng xác định được quy mô của quán, phong cách quán muốn hướng tới.
Cùng điểm qua những mô hình quán cafe phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
1. Cafe truyền thống
Mô hình kinh doanh cafe truyền thống chính là những quán cafe được thiết kế đơn giản phục vụ cho khách bình dân. Với mô hình nỳ bạn chỉ cần đảm bảo chất lượng đồ uống ngon, ổn định thì quán bạn sẽ có nguồn lợi nhuận tốt.
2. Cafe hiện đại
Mô hình này giúp chủ quán thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và cá tính riêng với rất nhiều phong cách. Điểm nhấn quan trọng nhất của mô hình này là chủ quán có ý tưởng độc đáo đến đâu. Mô hình này ngày càng được nhiều người muốn mở quán cafe lựa chọn với rất nhiều phong cách: Vintage, café sách, café thú cưng, âm nhạc, cafe giường nằm…
Với mô hình này, đồ uống không chỉ có cafe mà thường khá đa dạng và phong phú như các loại sinh tố, thức uống sáng tạo và có thể có cả bánh ngọt, đồ ăn kèm.
3. Cafe cóc
Đây là mô hình kinh doanh đồ uống đơn giản, ít vốn và dễ đầu tư nhất. Khách hàng thường là những lao động bình dân, có thể ngồi vỉa hè trên những chiếc ghế đẩu, bàn thấp, thậm chí là ngồi bệt trên cầu thang một ngôi nhà mượn tạm. Khi triển khai hình thức này, bạn cũng nên hỏi xin phép địa phương. Bởi khi bày biện bàn ghế ngoài vỉa hè, bạn có thể sẽ bị phạt nếu chiếm đóng lề đường.
4. Cafe sân vườn
Đây là mô hình kinh doanh quán cafe trong khuôn viên rộng rãi với cây cối để thực khách hoà vào không gian thiên nhiên. Mô hình này phù hợp với đối tượng khách yêu thích thiên nhiên với không gian mở và thoáng đãng.
Đầu tư vào thiết kế quán cafe sân vườn là điều cực kỳ cần thiết, với diện tích lớn bạn không nên tự mình thiết kế chắp vá nếu chưa có kinh nghiệm mở quán cafe mà nên tìm đến các đơn vị tư vấn thiết kế bởi họ sẽ giúp bạn thiết kế khuôn viên, bàn, ghế và đặt các loại cây cảnh một cách hợp lý nhất.
5. Cafe nhượng quyền
Kinh doanh cafe nhượng quyền thương hiệu nghĩa là ủy quyền cho một bên hoặc một cá nhân nào đó muốn kinh doanh thương hiệu cà phê với khu vực và thời gian nhất định.
Điều quan trọng nhất khi kinh doanh quán cafe nhượng quyền là bạn cần kiểm soát được chất lượng sản phẩm và dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn. Đầu tư vào một hệ thống quản lý chỉn chu để việc vận hành diễn ra trôi chảy là điều cần thiết.
Bên cạnh thức uống, sự kết hợp giữa không gian và phong cách phục vụ để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng giúp mang lại giá trị gia tăng cho dịch vụ.
6. Cafe take away
Thói quen uống cafe thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại đã dẫn đến sự ra đời của mô hình cà phê take-away. Đối tượng khách hàng chính của mô hình này chính là giới trẻ, nhân viên văn phòng hay những người có lối sống bận rộn.
Cafe take away không chỉ là một mô hình độc lập, mà cũng tồn tại song song tại các mô hình cafe khác (Vừa phục vụ tại bàn, vừa đóng mang đi)
Có 2 dạng quán cafe take away:
Cà phê xe đẩy.
Quán cafe diện tích nhỏ, gần như không có chỗ ngồi.